Chuyển website động dung lượng lớn thành tĩnh hoàn toàn

Theo thời gian, một số website sẽ ngừng phát triển, điều này là tự nhiên. Nhưng việc duy trì các website đó, đặc biệt là các website có dung lượng lớn lại tốn kém về mặt chi phí, và trên các trang không có thu nhập hỗ trợ (ví dụ như quảng cáo). Giải pháp khắc phục chuyện này có thể được thực hiện dứt điểm bằng cách bán lại, tuy nhiên cũng có trường hợp chủ sở hữu không muốn bán vì nhiều lý do. Trong trường hợp đó, việc chuyển trang web động thành tĩnh hoàn toàn sẽ là giải pháp tốt nhất: (1) Trang web vẫn được duy trì, (2) Nó không gây tốn kém đáng kể. Trong ví dụ dưới đây tôi mô tả cách chuyển website động xây dựng bằng WordPress thành trang tĩnh hoàn toàn.

A. Chuẩn bị

  • Tắt các yếu tố động: Vì chuyển thành trang tĩnh hoàn toàn, các yếu tố động sử dụng csdl của hosting động, ví dụ như bình luận, chức năng tìm kiếm sẽ không dùng được nữa, nên nếu có phần này thì bạn cần phải tắt nó đi, hoặc thay thế bằng các yếu tố động khác của bên thứ ba [độc lập với hosting động].
  • Plugin chuyển website WP động thành tĩnh: Simply Static – chỉ cần dùng phiên bản miễn phí (https://wordpress.org/plugins/simply-static/)
  • Hosting tĩnh. Dịch vụ ưa thích của tôi là BunnyCDN (https://bunny.net/) vì nó có chi phí rẻ, chất lượng ổn, dễ dùng & nhiều tính năng. Tuy nhiên bạn có thể dùng bất cứ hosting tĩnh nào khác.

B. Thao tác trên hosting cũ

  • Hosting động ban đầu nên được quản trị bằng cPanel, thử nghiệm cho thấy khi dùng nó để chuyển trang động thành tĩnh không gặp lỗi như các chương trình quản trị hosting khác.
  • Khi cài đặt trên Simply Static nên thiết lập địa chỉ website là cố định (tức là chọn Absolute URLs) chứ không phải tương đối. Với lựa chọn địa chỉ cố định bạn làm giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực lên SEO.
  • Các website lớn dễ gây quá tải trong quá trình chuyển đổi, để hạn chế điều này nên thực hiện quá trình chuyển vào thời gian website rảnh, trên hosting đủ mạnh (RAM và CPU). Điều quan trọng nhất là chỉ để nó chuyển trang thành HTML mà không cần thu thập tài nguyên đa phương tiện (chủ yếu là ảnh). Chúng ta sẽ lấy ảnh bằng cách khác.
  • Quá trình chuyển bằng Simply Static có thể tốn khoảng 30 phút hoặc hơn tùy vào dung lượng trang và độ mạnh của hosting cũ, nhưng nhìn chung nó diễn ra êm mượt, không lỗi nếu các tùy chọn trên được thực hiện hợp lý.
  • Để bỏ việc thu thập ảnh trong quá trình chuyển đổi thì ở phần cài đặt trên Simply Static, ở chỗ URLS TO EXCLUDE, bạn nhập wp-content/upload vào.
  • Các tài nguyên đa phương tiện dễ dàng lấy về bằng cách vào cPanel, đi đến thư mục tương ứng của website (wp-content/upload), nén rồi tải về.
  • Kết thúc các bước này là bạn có được website tĩnh hoàn toàn, với đầy đủ data, bao gồm cả HTML lẫn tài nguyên đa phương tiện để upload lên hosting tĩnh mới.

C. Thao tác trên hosting tĩnh mới

  • Trên hosting tĩnh mới, mà trong ví dụ này là BunnyCDN, bạn tạo một storage mới, nên replication (nhân rộng data) ở ít nhất 2 khu vực là HongKong và Singapore nếu người dùng của bạn chủ yếu là Việt Nam. Dĩ nhiên tùy chọn này rất linh hoạt, tùy theo người dùng thực tế nằm ở đâu, nhưng nguyên tắc cơ bản nhìn chung là chuyển data đến càng gần khu vực địa lý của người dùng thì càng tốt.
  • Lấy thông tin FTP ở khu vực FTP & API Access trên Bunny để upload dữ liệu thông qua FileZilla (hoặc các ứng dụng FTP tương tự). Cái này hơi mất công vì Bunny không có kiểu up lên file nén rồi bung ra trực tiếp trên đó, mà phải đẩy data theo kiểu file lẻ, nhưng dù sao nó cũng không quá phiền phức, vì độ ổn định cao của quá trình này (nhưng mất thời gian thì có).
  • Tiếp theo là thực hiện việc kết nối Pull Zones để khôi phục với tên miền chính thức. Đầu tiên là kết nối Pull với tên miền có sẵn dạng subdomain của Bunny, sau đó Add Custom Hostname là tên miền chính thức của website. Trong quá trình này nên tạo https luôn và bật tính năng FORCE SSL. Quá trình trỏ DNS có thể thực hiện qua Cloudflare, vốn là ứng dụng miễn phí rất mạnh về mảng này.

D. Đảm bảo SEO

  • Bạn cần tạo lại file robots.txt
  • Tạo lại sitemap dạng text rồi up lên Google Search Console (nếu hosting tĩnh dạng mới [như Bunny] không chấp thuận định dạng xml, còn nếu nó có chấp thuận thì không cần làm điều này). Có thể dùng https://www.check-domains.com/sitemap/index.php để tạo không giới hạn sitemap dạng text [ứng dụng kiêu căng này đôi khi chặn truy cập từ IP Việt Nam, bạn có thể chữa nó bằng cách sử dụng trình duyệt Opera, bật VPN free, chọn location là Hoa Kỳ hoặc châu Âu để truy cập được. Xời, chú không làm khó anh được đâu!].
  • Thực hiện việc chuyển hướng từ có-www về dạng không-www thông qua Page Rules của Cloudflare (miễn phí).

E. Kiểm tra lần cuối

Cuối cùng nên nghỉ ngơi một thời gian và tạo website mới 😉