Semrush là công cụ nghiên cứu từ khóa chất lượng (một công cụ phổ biến khác ở Việt Nam là Ahrefs), hôm nay tôi sẽ thử sử dụng nó để nghiên cứu từ khóa và lên kế hoạch nội dung cơ bản xem thế nào. Tôi chủ động chọn lĩnh vực nghiên cứu mà tôi không có am hiểu nhiều, demo như vậy có khả năng giống với môi trường thực của người mới đi làm, hoặc những bạn phải liên tục viết các chủ đề khác nhau. Chủ đề tôi chọn là: nước hoa.
Bối cảnh: chẳng hạn tôi mới đi làm ở một công ty nước hoa nhỏ. Họ bán sản phẩm nước hoa nam và nữ. Với giá khá linh động, từ vài trăm ngàn cho những lọ nhỏ, cho đến cả gần 10 triệu đồng cho các thương hiệu lớn. Yêu cầu là công ty muốn mở rộng kinh doanh, muốn có nhiều bài viết SEO có khả năng lên top thay vì phải sử dụng quảng cáo quá nhiều. Hiện mới chỉ có định hướng chung như vậy, và giờ tôi trong vai người làm SEO cần tìm ra chiến lược cụ thể hơn cho công ty mình.
OK, chúng ta bắt đầu thôi.
Keyword Overview
Đầu tiên tôi vào Keyword Overview để xem tổng thể về từ khóa này:
Nhìn vào độ khó của từ khóa (keyword difficulty) tôi nhanh chóng nhận ra là nhìn chung đây không phải chủ đề dễ nhằn. Độ khó là 51, với yêu cầu 20 baclink thì mới lọt được vào top10.
Phần Intent (Ý định của tìm kiếm / Search Intent) trỏ đến điều tra thương mại cũng dễ hiểu. Khi người dùng tra cứu sản phẩm thì ngay cả trong trường hợp thiên về tìm thông tin thì ít nhiều cũng có tính thương mại.
Trend ngay bên dưới Intent, biểu đồ này cho thấy nước hoa thuộc về nhóm nội dung dạng evergreen, chứ nó không phải dạng xu hướng nhất thời, hay mùa vụ.
CPC cho thấy mức giá trung bình cho mỗi click để quảng cáo từ khóa này, gần 2K, không phải con số nhỏ. Mật độ cạnh tranh quảng cáo (Competitive Density) ngay bên dưới cho thấy đây là từ khóa có tính tranh cao cả trong khu vực quảng cáo.
–
Khu vực tiếp theo rất đáng quan tâm là Keyword ideas, các ý tưởng của từ khóa liên quan. Từ khóa “nước hoa” nó chỉ là chủ đề chung tổng quát, và ngay cả khi không am hiểu về chủ đề này nhiều thì tôi cũng khá rõ là việc tối ưu SEO trực tiếp cho từ khóa chung là không khả thi. Nói cách khác, chúng ta sẽ phải đi sâu các các từ khóa dài hơn của nó.
Mục Keyword Variations (các biến thể khác của từ khóa) nổi bật nhất, với thông báo lên đến hơn 47K từ khóa liên quan. Đây chắc chắn sẽ là phần chúng ta cần đào sâu thêm.
Phần Questions, tức là các truy vấn dạng câu hỏi rất nghèo nàn. Có vẻ như Semrush không rành về tiếng Việt đủ để phân tích các truy vấn dạng câu hỏi, chứ chủ đề nước hoa hẳn là không ít dạng câu hỏi khi người dùng tò mò về sản phẩm nhỏ nhưng khá tốn kém này. Chốc nữa trong phần sau chúng ta sẽ biết cách chủ động tìm các truy vấn dạng câu hỏi.
Phần Related Keywords, từ là các từ khóa liên quan, cho chúng ta một số dạng từ khóa biến thể theo cách viết (ví dụ không dấu, viết liền, sai chính tả một chút,…). Tôi cũng không ấn tượng lắm với khu vực này, và số lượng cũng không nhiều.
Quay lại Keyword Variations. Khi click vào nó sẽ hiển thị ra các danh sách từ khóa chi tiết. Có nhiều cột dữ liệu:
- Intent: Ý định của tìm kiếm, có 4 ý định chính là C (điều tra thương mại), I (tìm kiếm thông tin), T (chuyển đổi, mua hàng), N (điều hướng).
- Volume: Khối lượng tìm kiếm của từ khóa, đây là khối lượng tìm kiếm trung bình trên tháng. Cái này sẽ dự đoán được lưu lượng truy cập mà chúng ta có khả năng nhận được nếu tối ưu tốt cho từ khóa đó.
- KD%: Độ khó của từ khóa, con số này càng cao, nghĩa là bạn càng khó SEO lên top. Chỉ số KD thay đổi tùy theo từ khóa cụ thể, khi nhìn nhanh vào danh sách tôi thấy có rất nhiều từ khóa có KD nhỏ hơn 30, và cũng có kha khá từ khóa có KD nhỏ hơn 20.
- Trend: Giúp bạn nắm bắt nhanh xu hướng tìm kiếm về từ khóa trong khoảng 12 tháng vừa qua.
- CPC: Ước tính chi phí quảng cáo cho từ khóa này.
- SF: tức là các kiểu kết quả tìm kiếm hiển thị phong phú, khác với kết quả truyền thống (ví dụ có thêm ảnh, video, sitelink, vân vân). Ví dụ con số 9, nghĩa là có 9 kiểu khác nhau trong kết quả tương ứng với từ khóa đó.
Semrush thống kê nhanh rằng tôi với 47 ngàn từ khóa gần gũi, tổng lưu lượng truy cập tiềm năng của chúng là 1.7 triệu lượt, với độ khó trung bình là 13%.
Con số 47 ngàn là quá nhiều để lọc hoàn toàn thủ công, chúng ta sẽ sử dụng công cụ lọc có sẵn của Semrush để khoanh vùng các từ khóa mong muốn.
Từ khóa ổn thông thường cần đạt 3 tiêu chí sau:
- Khối lượng tìm kiếm không quá thấp: Chúng ta điều chỉnh cái này ở phần Volume.
- Độ khó không quá cao: Chúng ta điều chỉnh cái này ở phần KD%.
- Tính chuyển đổi không quá kém: Chúng ta điều chỉnh cái này ở phần Intent, riêng cái này nên linh động, vì có khả năng kể cả từ khóa dạng I cũng có tính chuyển đổi tốt.
Trong ví dụ cụ thể, tôi thực hiện các chọn lựa sau:
- Vol > 50
- KD / Very easy
- Intent, chọn cả 4
Kết quả là lọc ra được 2,5K từ khóa, với độ khó trung bình chỉ 8%, rất hợp với người mới viết về chủ đề này:
Chúng ta có thể để ý đến cột By number và By volume ở bên tay trái, nơi chúng ta có thể lọc thêm, kèm thêm thông tin về tần số xuất hiện của từ khóa đó (number) hoặc khối lượng tìm kiếm của nó (volume) trong danh sách từ khóa đang có.
Ở đây tôi thấy danh sách có gợi ý “nước hoa hồng”, cái này là “rose water”, còn sản phẩm mà công ty bán là “nước hoa / perfume”, hai cái này hoàn toàn khác nhau. Để bỏ nhóm từ khóa liên quan đến nước hoa hồng, tôi click vào biểu tượng con mắt bên cạnh chữ “hồng”. Từ khóa này sẽ được đưa vào phần exclude (loại trừ) ở hàng bên trên.
Hàng bên trái dĩ nhiên còn có lợi ích là bạn xem được các từ khóa được phân theo nhóm đó (tức là từ khóa có chứa từ đó). Chẳng hạn từ review, tức là đánh giá. Tôi tò mò xem mọi người muốn review những gì liên quan đến nước hoa:
Những thông tin dạng này, nếu cập nhật đủ tốt còn có thể là gợi ý về mặt định hướng trong kinh doanh chứ không chỉ có ích trong SEO.
Phần nghiên cứu từ khóa tiết lộ cho chúng ta rất nhiều thứ liên quan đến nhu cầu của người dùng. Chẳng hạn tôi thấy khách hàng quan tâm đến các loại dung tích nước hoa như:
- 5ml
- 10ml
- 20ml
- 30ml
- 50ml
- 100ml
Hoặc họ quan tâm đến các mùi như:
Đây dĩ nhiên là những thông tin hết sức thú vị mà chúng ta có thể dựa vào để phát triển nội dung hay nhập loại sản phẩm được nhiều người tìm kiếm.
Semrush không mạnh trong việc đưa ra các từ khóa dạng câu hỏi vì nó không hiểu rõ tiếng Việt, nhưng chúng ta có thể tự lọc các từ khóa như vậy thông qua việc chỉ định cụ thể. Ví dụ như khi nó bao gồm từ “cách”:
–
Để lập ra danh sách các từ khóa bạn quan tâm thì bạn nhấn vào nút Add to list > Create new empty list, để ban đầu tạo ra danh sách trống. Ví dụ tôi tạo danh sách có tên “Nước hoa”:
Sau đó bạn quan tâm đến từ khóa nào thì đưa nó vào danh sách, bằng cách click vào dấu + ngay bên trái từ khóa. Ví dụ:
Keyword Manager
Bạn có 2 cách tạo danh sách từ khóa, thứ nhất chúng ta làm thủ công như trên, lọc rồi chọn các từ khóa theo ý muốn. Cách khác là tự động hóa bằng cách sử dụng công cụ Keyword Manager. Chúng ta sẽ thử ngay bây giờ để xem chất lượng của nó thể nào.
Phần tên miền của bạn là tùy chọn, không bắt buộc nhập. Nếu website bạn mới phát triển thì cũng không nên nhập, nếu phát triển ổn ổn rồi, có thể thử nhập để Semrush nó có thêm data cho việc lựa chọn phân nhóm từ khóa khi xuất kết quả cho bạn.
Kết quả:
Nó tạo ra được 13 nhóm với 223 từ khóa. So với công cụ Keyword Overview thì rõ ràng cái này hạn chế hơn rất nhiều về mặt số lượng. Có khả năng lý do là vì nó vẫn chưa phân tích được tốt tiếng Việt?
Để kiểm tra xem việc phân loại tự động có tốt hơn khi tôi cung cấp thêm website không, tôi đã thử đưa thông tin đó vào. Kết quả không có khác biệt đáng kể.
Tiếp theo tôi thử với từ khóa phổ biến hơn (iphone) và với data từ US (Hoa Kỳ) để xem Semrush nhóm tự động cụm từ khóa có nhiều và tốt hơn không:
Cũng chỉ có 25 nhóm với 688 từ khóa. Như vậy Semrush rất cẩn thận với công cụ này, có vẻ như chỉ khi nhóm đó tương đối chắc chắn thì họ mới tạo và đưa các từ khóa liên quan vào.
Đến đây thì chúng ta có thể thấy là cái Keyword Manager dừng ở mức độ gợi ý tổng thể được thôi. Bạn vẫn nên tạo danh sách từ khóa theo cách thông thường, và chủ động thêm các từ khóa nhắm đến thông qua Keyword Overview và Magic Tool.
Organic Research
Một cách hay khác khi lên kế hoạch từ khóa / nội dung đó là tìm hiểu xem các đối thủ mạnh nhất đang triển khai như thế nào. Để sử dụng tính năng này, bạn vào phần Organic Research, rồi nhập website của đối thủ vào.
Trước tiên bạn sẽ thấy thông tin tổng quan:
Một số thông tin đáng quan tâm như:
- Số lượng từ khóa mà website đối thủ đang được xếp hạng (Keywords).
- Lưu lượng truy cập trung bình hàng tháng trang đang nhận được (Traffic).
- Ngay bên dưới là biểu đồ cho thấy lưu lượng truy cập tăng giảm thế nào. Điều này có thể cho bạn biết quá trình phát triển website của đối thủ.
Khu vực quan trọng là Top Keywords nơi đối thủ đang có xếp hạng tốt với các từ khóa đó. Bạn dĩ nhiên nên xem các từ khóa đó là gì. Bạn có thể sử dụng thêm bộ lọc để lấy ra nhóm từ khóa theo mong muốn, trong ví dụ bên dưới tôi lấy ra nhóm từ khóa thuộc top10, có khối lượng tìm kiếm từ 100 đổ lên và có độ khó trong khoảng từ 0 đến 30%.
Bạn nên lặp lại điều này với vài đối thủ chính yếu để việc kiểm tra được toàn diện hơn.
Keyword Gap
Đây là biện pháp khác để bạn lấy ra được từ khóa giá trị. Cách thức của nó là so sánh từ khóa website của bạn với từ khóa website của đối thủ. Từ đó biết được bạn và đối thủ mạnh yếu ở đâu? Cái này sẽ rất hữu ích nếu website bạn đang nằm trong top và đang cạnh tranh gắt gao với các website khác. Cách làm rất đơn giản: nhập tên miền của bạn và đối thủ vào rồi nhấn Compare thôi.
Kéo xuống bên dưới, bạn sẽ thấy danh sách từ khóa mà bạn và đối thủ đang cùng cạnh tranh (phần Shared); Các từ khóa mà bạn xếp hạng kém hơn đối thủ (phần Weak); Các từ khóa bạn xếp hạng tốt hơn đối thủ (phần Strong); Các từ khóa mà đối thủ được xếp hạng trong top 100 còn bạn thì không (phần Missing / Untapped); Ngược lại, bạn được xếp hạng trong top 100, còn đối thủ thì không sẽ được tìm thấy ở phần Unique.
Tiến hành các bước ở trên là bạn sẽ hiểu rõ hơn về khách hàng tiềm năng, cũng như có được bộ từ khóa cơ bản để định hướng làm nội dung.