Cách đặt tiêu đề bài tốt cho người đọc và cả SEO

Ngày 32 / Tiết 2 / Thời lượng 20 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web [tháng thứ 2].

Giả dụ bạn vào chuyên mục giải trí trên một tờ báo điện tử, đầu tiên bạn liếc nhìn bức hình đại diện của bài, sau đó đọc tiêu đề của nó, nếu cảm thấy quan tâm, bạn có thể sẽ đọc thêm đoạn trích dẫn độ 20 – 30 từ của bài, rồi click vào để xem trọn vẹn nội dung. Nhiều khi chỉ cần nhìn ảnh và tiêu đề là đủ để bạn click vào xem tiếp rồi.

Tiêu đề bài trong ô hình chữ nhật
Tiêu đề bài trong ô hình chữ nhật

Vâng, bạn đã hiểu ý nghĩa của tiêu đề rồi đúng không? Nó cung cấp mô tả nội dung trọng tâm của bài là về cái gì? Nhờ vậy người dùng mới quyết định là họ có nên đọc tiếp hay không.

Để đặt tiêu đề tốt là một vấn đề đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và thực hành, dù vậy trong bài học hôm nay chúng ta vẫn sẽ tìm hiểu những thứ căn bản, xem như một định hướng ban đầu để bạn luyện tập và áp dụng vào thực tế.

Thế nào là một tiêu đề tốt với người dùng?

Nó cần phải có những đặc điểm sau:

  • Mô tả nội dung cốt lõi của bài: nó cần phải tóm lược được nội dung chính của bài là về điều gì.
  • Nó cần phải trung thực: người dùng ngày nay quá chán nản với các tiêu đề gây sốc, cốt để thu được click nhưng nội dung thực tế lại không được như thế. Đấy người ta gọi là ‘treo đầu dê bán thịt chó’. Về ngắn hạn chiêu trò này có hiệu quả, nhưng về dài hạn người dùng sẽ xa lánh các website như vậy, và bạn dù đang phải vất vả thu hút người đọc cũng không nên đi theo con đường đó.
  • Nó không nên ngắn hay dài quá: trừ một số trường hợp đặc biệt, còn không thì tiêu đề nên có độ dài từ 5 cho đến 20 từ.
  • Nó cần thú vị: hãy vận dụng sức sáng tạo của bạn để tạo ra tiêu đề hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí vừa nêu trên (đúng trọng tâm, trung thực và dài vừa đủ). Luôn có những tiêu đề thú vị hơn những tiêu đề khác, chỉ cần bạn tập trung suy nghĩ, thử nghiệm là bạn sẽ tìm được cái xứng đáng. Một số người cẩn thận có thể ngồi nghĩ cả tá tiêu đề trước khi chính thức Publish bài viết.

Thế nào là tiêu đề tốt cho SEO

Tiêu đề tốt cho SEO cần:

  • Có từ khóa: thường thì điều này cũng đến một cách tự nhiên, chẳng hạn bạn viết về chủ đề ‘các quán ăn ngon ở Hà Nội’ thì thông thường ‘từ khóa‘ này cũng sẽ thành một phần trong tiêu đề, ví dụ: ‘Danh sách các quán ăn ngon ở Hà Nội mà bạn không thể bỏ lỡ trong hè này’.
  • Có độ dài trong khoảng 50 đến 70 ký tự: các máy tìm kiếm hiển thị tối đa khoảng 70 ký tự cho phần tiêu đề trên trang kết quả, nếu dài hơn nó sẽ để dấu … chứ không hiển thị cả, ví dụ:
Tiêu đề quá dài khi hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm
Tiêu đề quá dài khi hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm sẽ kết thúc bằng dấu…
  • Tuy nhiên độ dài gợi ý ở trên chỉ là tương đối, nếu thực sự cần những tiêu đề dài cho bài, và nó đem lại ý nghĩa quan trọng thì bạn hãy cứ đặt như vậy, chứ không phải cố thu gọn đi làm gì.
  • Tránh nhồi nhét từ khóa vào tiêu đề: vì từ khóa của bài là một trong các yếu tố chính khi nói về SEO, cũng như để máy tìm kiếm hiểu bài của bạn nên một số người có thể nghĩ rằng họ lặp lại từ khóa trong tiêu đề sẽ hiệu quả hơn, ví dụ: ‘Các quán ăn ngon ở Hà Nội và thông tin chi tiết giá, menu của các quán ăn ngon đó’. Cụm từ ‘quán ăn ngon’ được cố tính lặp lại để gia tăng từ khóa. Việc nhồi nhét từ khóa thường gây ra rắc rối, nó khiến tiêu đề kém tự nhiên.
  • Ngày xưa trong giai đoạn đầu của công cụ tìm kiếm, nó phụ thuộc rất nhiều vào tần số lặp lại của từ khóa để xác định mức độ liên quan đến truy vấn của người dùng, nhưng ngày nay tình hình đã khác. Các từ khóa bị nhồi nhét trong tiêu đề không những không hiệu quả mà còn thường gây tác dụng ngược.
  • Nó cũng cần hấp dẫn: một tiêu đề hấp dẫn dù đang có vị trí thứ 6, 7 trong trang kết quả tìm kiếm vẫn có khả năng được click cao ngang với vị trí thứ 3, 4. Cho nên người làm SEO cần đặc biệt tỉ mỉ trong việc đặt tiêu đề nếu muốn thu được kết quả tốt nhất có thể. Tiêu đề là ‘cái nhìn đầu tiên’, ‘tiếng sét ái tình’ trong trang kết quả tìm kiếm, yêu hay không yêu cũng khởi nguồn từ đấy.

Kết luận

Bạn đã hiểu cơ bản thế nào là tiêu đề tốt cho người đọc và cho SEO, hãy kết hợp cả hai vì giờ đây chúng cũng không khác nhau là bao, thậm chí có thể nói như hai mà là một.

Lời khuyên chung là hãy đặt vào vị trí của người đọc:

Nếu bạn đang vào chuyên mục, hay thấy tiêu đề trên trang kết quả tìm kiếm, bạn có thích và muốn click vào tiêu đề đó không?

Mọi thứ kỹ thuật không được phép phủ định câu trả lời đó, tức là bạn hãy ưu tiên cho tính tự nhiên, đặt tiêu điểm vào con người trong khi đặt tiêu đề.

Bài tiếp >>> Cách SEO ảnh.