Cách SEO ảnh

Ngày 32 / Tiết 3 / Thời lượng 30 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web [tháng thứ 2].

Ảnh là một trong các thành phần được sử dụng nhiều nhất khi làm nội dung cho website. Nó thường đi kèm bài viết để minh họa, giải thích rõ hơn, làm nội dung thêm sinh động và giúp người đọc dễ tiếp thu.

SEO ảnh không khó, vì điều quan trọng nhất trong SEO ảnh không phải là kỹ thuật SEO mà lại là chính bức hình đó!

Một số điểm lưu ý khi chọn ảnh

  • Ảnh cần phải có chất lượng tốt. Ảnh mà mờ, vỡ thì không còn nhiều ý nghĩa cho bức hình đó nữa rồi (và rõ ràng là làm người dùng bực bội!). Sau này bạn sẽ thấy rất nhiều người mắc phải lỗi này chỉ vì một ám ảnh sai lầm liên quan đến tối ưu tốc độ website, họ giảm chất lượng ảnh xuống rất nhiều để giảm dung lượng ảnh. Vâng dung lượng ảnh có thể giảm 3 lần từ 150KB xuống còn 50KB chẳng hạn, nhưng họ có bức ảnh trông chẳng ra gì! Đừng sai lầm như họ.
  • Ảnh phải liên quan đến nội dung bài. Đừng cho ảnh vào bài chỉ để cho có, bạn cần đầu tư tìm bức hình, dù chỉ để minh họa thôi thì nó vẫn phải có nghĩa gần nghĩa xa liên quan đến nội dung của bài.
  • Ảnh phải đủ lớn. Mấy bức hình bé tí (mà không có lý do cho sự bé ấy của nó trong bài) thường làm mọi người khó chịu thêm, hoặc ít nhất là họ cũng chẳng buồn để ý đến nó. Do vậy hãy để ảnh của bạn đủ lớn. Nhiều website, trong một số bài còn sử dụng các bức hình lên đến hơn 1000px chiều rộng để tạo các hiệu ứng thẩm mỹ ấn tượng. Dĩ nhiên không phải lúc nào bạn cũng cần hình lớn đến vậy, thường chỉ cần bằng độ rộng của website là đủ, ví dụ nó có độ rộng 700px thì chọn hình có độ rộng đó thôi.

Giờ chúng ta đi đến phần kỹ thuật SEO ảnh

1. Đặt tên cho file ảnh

  • Không sử dụng tên ảnh mặc định sau khi lấy ảnh từ các thiết bị chụp như di động, máy ảnh, vì tên của nó thường rất kỹ thuật, kiểu như IMG_1234.JPG, tức là nó thiếu tính mô tả.
  • Bạn cần phải đặt tên file ảnh là dạng không dấu, ngăn cách nhau bằng dấu gạch ngang, tất cả sử dụng ký tự thường.
  • Tên thì nên ngắn gọn, dựa vào ý nghĩa của bức hình. Ví dụ bức hình bên dưới có thể được đặt tên là ganh-hang-rong hoặc ganh-hang-rong-hanoi:
Gánh hàng rong Hà Nội
Cụ bà gánh hàng rong ở Hà Nội
  • Hết sức tránh các kiểu đặt tên có dấu như gánh hàng rong hay gánh-hàng-rong cho ảnh, vì một số trình duyệt web hiển thị file ảnh dạng có dấu không được tốt.
  • Cũng không nên sử dụng các ký tự đặc biệt như !@#… trong tên file ảnh, ngoại trừ dấu gạch ngang.
  • Dấu gạch ngang ngăn cách các từ được cho là tốt hơn so với dấu gạch dưới. Ví dụ ganh-hang-rong.jpg thì tốt hơn ganh_hang_rong.jpg
  • Phím tắt để đổi nhanh tên ảnh trên hệ điều hành Windows là phím F2.

2. Nội dung cho thẻ ALT cho ảnh

Khi bạn thêm ảnh vào trong trình soạn thảo trong WordPress, ảnh tải lên xong, bạn click vào bức hình đó và nhìn sang cột phải sẽ thấy thông tin cần nhập cho thẻ ALT:

Thông tin ALT cho ảnh
Thông tin ALT cho ảnh

ALT là viết tắt của cụm từ ALTERNATIVE TEXT có nghĩa là văn bản thay thế. Lý do cho sự tồn tại này là vì ngày xưa máy tìm kiếm không có khả năng nhìn ảnh được như con người, khi bạn thêm ALTERNATIVE TEXT là bạn thông báo cho máy tìm kiếm biết ý nghĩa bức ảnh là về cái gì. Ngoài ra văn bản này còn được sử dụng trong trường hợp đặc biệt như thiết bị đọc tự động cho người khiếm thị.

Ngày nay, các máy tìm kiếm đã hiểu rõ ảnh hơn rất nhiều, nó biết bức hình đó là về chủ đề gì, tuy nhiên việc thêm thông tin ALT cho ảnh vẫn là thực hành bắt buộc trong SEO, vì nhiều khi không hẳn chủ đề nghĩa đen của bức hình lại là dụng ý của chúng ta khi sử dụng bức hình đó.

Vậy bạn nên viết nội dung cho ALT thế nào?

  • Nó nên ngắn gọn, mô tả bức hình đó là về cái gì, thế là ổn, bạn không nên viết quá dài.

3. Caption cho ảnh

Thi thoảng bạn có thấy trên Facebook một người nào đó đăng ảnh và ghi ‘No Caption’ không? Bình thường ảnh thì nên có vài lời dẫn, mô tả thêm ý nghĩa, nhưng họ không biết viết gì nhưng vẫn mong muốn chia sẻ bức hình đó nên đành viết No Caption để làm Caption vậy!

Ví dụ khác về Caption:

Ví dụ về caption cho ảnh
Dòng chữ ‘Cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra đường phố thủ đô London, Anh, hôm 27/4. Ảnh: AP’ chính là caption của ảnh. Nguồn Vnexpress.

Vậy caption chính là mô tả thêm cho bức hình đó, để người đọc hiểu rõ nó hơn.

Trong trình soạn thảo WordPress, khi bạn up bức hình lên, rồi click vào hình, một khung mở ra, bạn click vào biểu tượng sau để thêm caption:

Thêm caption cho ảnh
Thêm caption cho ảnh

Sau đó ngay dưới bức hình sẽ có chữ Add caption để bạn thêm caption vào:

Thêm caption ở đây
Thêm caption ở đây

Vậy khác biệt giữa caption là ALT là gì?

Sau đây là một số điểm giống và khác nhau giữa chúng:

  • Cả caption và ALT đều cung cấp thêm thông tin về ý nghĩa bức hình, đây là điểm chung giữa chúng.
  • Caption có thiên hướng cung cấp thông tin cho người dùng, ALT có xu hướng cung cấp thông tin cho máy tìm kiếm. Nhưng điều đó không có nghĩa là máy tìm kiếm không sử dụng cả caption để hiểu bức hình, nhưng nó có khả năng sẽ ưu tiên ALT hơn.
  • ALT là thông tin luôn được khuyến khích cần phải có, caption thì không bắt buộc, ví dụ như trong những bối cảnh mà người đọc có thể hiểu rất rõ bức hình là về điều gì, thì việc bạn thêm caption có thể là thông tin thừa thãi.
  • Caption và ALT có thể để nội dung giống nhau, cái này là để cho tiện, bạn đỡ phải nghĩ nhiều và nó cũng không có vấn đề gì đối với SEO cũng như với người dùng.
  • Khi bức hình bị lỗi không tải được vì lý do nào đó, thông tin ALT sẽ hiển thị ra trong khung ‘không có hình’.

Bài tiếp: Tìm hiểu về liên kết nội bộ.