Cách tạo chuyên mục, thẻ tag cho website

Ngày 19 / Tiết phụ / Thời lượng 15 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web.

Trong bài học trước, bạn đã biết cách tạo chuyên mục (category) và thẻ tag cho website ngay trong quá trình biên soạn bài viết. WordPress còn một cách khác để bạn làm điều này.

Nhắc lại: sau khi chúng ta đã tạo một chuyên mục và thẻ tag nào đó rồi, thì những bài viết sau này khi chúng ta muốn xếp bài viết thuộc chuyên mục, thẻ tag đó thì ta chỉ việc chọn chúng cho bài viết, chứ không phải tạo lại nữa.

1. Thêm chuyên mục mới

Video hướng dẫn:

Để tạo chuyên mục cho website, tại trang quản trị, bạn vào Posts > Categories:

Posts > Categories
Posts > Categories

Bạn sẽ thấy nơi nhập thông tin cho chuyên mục nằm bên tay trái:

Nơi nhập thông tin cho chuyên mục mới
Nơi nhập thông tin cho chuyên mục mới

Trong đó:

  • Name: dùng để nhập tên chuyên mục, ví dụ như Thể thao, Pháp luật, Thời sự, Kinh tế.
  • Slug: dùng để nhập cấu trúc URL cho chuyên mục, ví dụ nếu tên chuyên mục là Thể thao, thì slug phù hợp sẽ là the-thao, nếu tên chuyên mục là Pháp luật, slug phù hợp sẽ là phap-luat. Tóm lại sẽ là chuỗi ký tự thường, không dấunối các từ bằng dấu gạch ngang. Cái slug này nếu tạo chuyên mục trong bài viết chúng ta không cần làm, vì nó được tạo tự động, nhưng cách này thì chúng ta cần chủ động tạo slug cho chuyên mục. Kết quả của việc đặt tên slug trong 2 ví dụ trên là ta sẽ có các chuyên mục có URL lần lượt là: ten-mien-cua-ban.com/category/the-thao/ten-mien-cua-ban.com/category/phap-luat/
  • Các bài viết cùng chuyên mục sẽ được liệt kê trong chuyên mục tương ứng, bài viết mới nhất sẽ xuất hiện trước, ví dụ tất cả các bài viết về thể thao sẽ được liệt kê trong chuyên mục có URL là ten-mien-cua-ban.com/category/the-thao/
  • Ví dụ khác, các bài viết cùng chuyên mục content marketing trên website Kiến càng được liệt kê trong URL tương ứng của chuyên mục là kiencang.net/category/content-marketing/
Các bài viết cùng chuyên mục
Các bài viết cùng chuyên mục
  • Parent Category: nghĩa là bạn chọn chuyên mục cha cho chuyên mục định tạo, ví dụ trước đó bạn đã có chuyên mục Kinh tế, giờ bạn muốn tạo thêm chuyên mục Kinh tế Mỹ nằm trong chuyên mục Kinh tế, thì ở phần này, khi bạn tạo mới chuyên mục Kinh tế Mỹ bạn sẽ chọn chuyên mục cha cho nó là Kinh tế. Khi nhập thông tin vào thì nó sẽ kiểu như thế này:
Chọn chuyên mục cha
Chọn chuyên mục cha
  • Cái Parent Category là tùy chọn, nghĩa là không phải là lựa chọn bắt buộc khi bạn tạo chuyên mục mới, ví dụ như khi ban đầu bạn tạo chuyên mục Kinh tế thì nó không có chuyên mục cha (None).
  • Nhìn chung những bạn mới tạo website, không cần quan tâm nhiều đến việc tạo chuyên mục con trong chuyên mục cha làm gì cho phức tạp, cái này có thể quan tâm sau này khi website của bạn có hàng trăm bài viết, vài chục chuyên mục. Cho nên trong phần lớn trường hợp các bạn cứ để None là được.
  • Cuối cùng là Description, được dùng để mô tả chuyên mục dùng để làm gì, nó không phải là tùy chọn bắt buộc, nghĩa là bạn bỏ trống được, và nó cũng không quá quan trọng:
Mô tả cho chuyên mục
Mô tả cho chuyên mục
  • Ở một số giao diện (theme) khi bạn click vào chuyên mục, nếu bạn có Description thì nó sẽ hiển thị văn bản này ra để người đọc biết thêm thông tin về chuyên mục đó, một số theme thì không hiển thị dù bạn có Description hay không.
  • Nhập xong thông tin, bạn click vào Add New Category để thêm mới chuyên mục.
  • Ví dụ khi tôi tạo chuyên mục Thể thao:
Thêm mới chuyên mục Thể thao
Thêm mới chuyên mục Thể thao

Nhìn sang bên tay phải, bạn sẽ thấy chuyên mục mới đã được thêm vào:

Chuyên mục mới đã được thêm
Chuyên mục mới đã được thêm

2. Thêm thẻ tag mới

Bạn vào Posts > Tags:

Posts > Tags
Posts > Tags

Sau đó bạn sẽ thấy thông tin cần nhập bên tay trái:

Nhập thông tin cho thẻ tag
Nhập thông tin cho thẻ tag

Ở đây bạn cũng chỉ cần nhập Name và Slug là được, bỏ trống Description cũng không vấn đề gì. Sau đó nhấn Add New Tag để thêm mới.

Ví dụ về cách đặt tên cho thẻ tag:

  • Name: Lionel Messi
  • Slug: lionel-messi

3. Tôi thường tạo mới chuyên mục và thẻ tag như thế nào?

Kinh nghiệm cá nhân của tôi thì tôi ít khi tạo chuyên mục mới ngay trong quá trình biên soạn bài viết, mà thường vào Posts > Categories để tạo. Bởi chuyên mục là thành phần quan trọng trong website, cần phải suy nghĩ trước cẩn thận rồi hãy tạo mới. Khi chúng ta vào Posts > Categories thì chúng ta có khuynh hướng nghĩ cẩn thận hơn.

Còn thẻ tag thì ngược lại, tôi hay tạo ngay trong quá trình soạn bài viết hơn là vào Posts > Tags. Vì thẻ tag không quá quan trọng như chuyên mục, và tạo trong bài viết thì nhanh gọn và đơn giản hơn.