Ngày 1 / Tiết 3 / Thời lượng 25 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web.
Website của bạn sẽ có ảnh, văn bản và nhiều dữ liệu khác nữa. Chúng cần một nơi lưu trữ, và nơi đó phải có khả năng kết nối internet để tất cả mọi người có thể truy cập được thông qua trình duyệt web (như Chrome, Safari, Firefox, Edge, Brave, Cốc Cốc).
Cái nơi lưu trữ đó người ta gọi là hosting.
Hosting cũng tương tự như máy tính của bạn, khác là nó được thiết kế chuyên sâu cho việc lưu trữ website. Trên hosting người ta cũng cần cài ‘hệ điều hành’, tương tự như máy tính cài hệ điều hành Windows. Rồi trên ‘hệ điều hành’ đó người ta cài ‘phần mềm’ chuyên cho việc quản trị trang web của bạn. Chúng ta sẽ đi chi tiết vào cái này sau, trong bài viết này chúng ta tạm biết như vậy là đủ.
Hosting cũng có thông số của nó. Như máy tính có dung lượng lưu trữ, RAM thì hosting cũng vậy. Ví dụ hosting có dung lượng 1GB và RAM 1GB. Các thông số vừa nói rất phù hợp với những website mới.
Giờ chúng ta sẽ bàn về một số thông tin quan trọng khác.
–
1. Giá hosting
Hosting giống nhà đi thuê, nó có đủ các khung giá khác nhau, nhưng thường giao động từ vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn một tháng.
Đối với những người mới tạo dựng website, khi bạn chưa cần những hosting mạnh, thì các gói hosting từ 30 – 50 ngàn / tháng là phù hợp.
Học sinh, sinh viên, những người có điều kiện chi tiêu thấp và chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu học tập có thể tìm đến các gói hosting thậm chí còn rẻ hơn, từ 10 – 15 ngàn / tháng.
–
2. Nâng cấp
Khi website của bạn có nhiều người truy cập, việc nâng cấp hosting là cần thiết để trang hoạt động ổn định hơn. Nó giống như đôi vợ chồng trẻ chưa có con có thể sống trong căn nhà thuê 15 mét vuông, nhưng nếu gia đình có 4 hay 5 người thì sẽ rất khó khăn sống trong nơi chật hẹp như vậy.
Việc nâng cấp hosting rất dễ dàng, thường chỉ vài thao tác là bạn sẽ được chuyển lên gói cao hơn mà gần như không tốn nhiều thời gian (nhưng tốn thêm tiền thì có!).
Thông thường các website mới có thể yên ổn 6 tháng – 1 năm ở gói hosting giá rẻ thì mới cần nâng cấp khi trang có lưu lượng truy cập lớn hơn (có nhiều người vào website).
–
3. Nên mua hosting ở Việt Nam hay nước ngoài
Không rành công nghệ và là người mới, bạn nên mua hosting trong nước, điều đó giúp các hỗ trợ được thuận tiện hơn.
Mua hosting ở nước ngoài sẽ có một số trở ngại bạn cần vượt qua như (1) Tiếng Anh căn bản, (2) Phải có thẻ Visa để thanh toán với nước ngoài, (3) Lúc đứt cáp quang sẽ rất vất vả để tìm cách cải thiện tốc độ truy cập trong nước.
Với ngần ấy lý do, người mới nên tập trung vào các hosting trong nước. Hiện tại các hosting trong nước có giá thành tốt, và chất lượng cũng ổn, đủ để bạn thoải mái chọn lựa.
–
4. Nên thuê hosting gói 3 tháng, 6 tháng hay một năm
Không như tên miền yêu cầu bạn mua tối thiểu 1 năm, hosting có các lựa chọn đa dạng hơn, thường là thanh toán 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.
Tùy vào năng lực tài chính, bạn sẽ chọn gói hợp với khả năng, 6 tháng có thể là lựa chọn hợp lý trong đa số trường hợp.
Và tất nhiên bạn cũng phải nhớ ngày gia hạn, vì khi hết hạn mà bạn không gia hạn thì tùy vào thỏa thuận, vài ngày sau, toàn bộ dữ liệu sẽ bị xóa.
Nhưng bạn đừng quá lo, sẽ có email nhắc nhở bạn sớm gia hạn, và trong các bài viết sắp tới, bạn cũng sẽ được học cách sao lưu dữ liệu website để phòng trong các trường hợp xấu như trên.
–
5. Khi mua hosting bạn cần cung cấp các thông tin gì?
Thường bạn cần cung cấp cho bên bán tối thiểu các thông tin sau:
- Họ tên
- Số điện thoại
- Địa chỉ
Các thông tin này cần cung cấp chính xác để việc hỗ trợ sau này, cũng như các liên lạc khác diễn ra thuận lợi.
Bài tiếp >>> Các thứ cần chuẩn bị khi mua tên miền & hosting