Hướng dẫn sử dụng trình soạn thảo của WordPress [phần 2]

Ngày 18 / Tiết 2 / Thời lượng 30 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web.

Chúng ta tiếp tục đến với phần 2 của hướng dẫn sử dụng trình soạn thảo WP.

1. Cách tạo heading, tiêu đề phụ trong bài

Với những bài viết dài, người ta thường tạo các heading để các phần nội dung được phân biệt với nhau, giúp người đọc dễ hiểu, dễ nắm nội dung tổng quát hơn. Ví dụ chính bài viết này, nó có các heading sau:

  • Tạo heading
  • Đổi màu chữ, màu nền
  • Tạo liên kết đến bài viết khác
  • Thay đổi URL bài viết

Nhìn hình bên dưới bạn sẽ dễ hiểu hơn về heading:

Ví dụ về heading
Ví dụ về heading trong một bài viết dài

Video hướng dẫn:

Một bài viết nó sẽ chỉ có một tiêu đề chính, ví dụ bài này tiêu đề của nó là: Hướng dẫn sử dụng trình soạn thảo của WordPress [phần 2]

Trong bài viết đó (khi nó là một bài đủ dài, chẳng hạn trên 1000 từ), thì thường nó sẽ được tạo thành từ nhiều nội dung nhỏ hơn liên quan với nhau nhưng cũng phân biệt nhau khá rõ ràng, các nội dung đó nếu có những tiêu đề phụ- gọi là heading thì sẽ tốt hơn.

Để biến một đoạn văn bản thành heading, bạn dùng trỏ chuột quét hết đoạn văn bản đó, một menu nhỏ xuất hiện, bạn click vào hình có biểu tượng như nốt nhạc sau:

Quét văn bản cần làm thành tiêu đề phụ, sau đấy click vào biểu tượng trong hình vuông vàng
Quét văn bản cần làm thành tiêu đề phụ, sau đấy click vào biểu tượng được khoanh trong hình vuông vàng ở trên

Một menu bật ra, bạn click chọn Heading:

Click chọn heading
Click chọn Heading

Thường bạn sẽ thấy văn bản được chọn làm heading sẽ có kích cỡ chữ to hơn thông thường, và màu sắc cũng đậm hơn (nhưng cỡ chữ của heading vẫn thường nhỏ hơn tiêu đề chính).

PS: tiêu đề chính của bài cũng là một dạng heading (nó là heading lớn nhất và quan trọng nhất trong bài), nhưng bạn không cần phải tạo cho nó, vì mặc định tiêu đề chính đã là heading rồi.

2. Đổi màu chữ, màu nền

Thông thường văn bản có màu đen (dù không phải đen tuyệt đối) trên nền trắng (và cũng có thể không phải trắng tuyệt đối), đấy là cách trình bày phổ biến nhất trên đa số các website (sách cũng vậy). Ở một đoạn nào đó, nếu bạn muốn làm nổi bật văn bản, bạn có thể thay đổi màu chữ hoặc/và màu nền cho nó.

Video hướng dẫn:

Ví dụ về việc đổi màu chữ và màu nền:

Đây là chữ trắng trên nền đỏ.

Đây là cách rất đơn giản để tạo điểm nhấn cho thông tin cần lưu ý. Màu nền nổi bật sẽ khiến người đọc khó bỏ qua thông tin nằm trong đó.

Cách làm như sau, bạn quét chuột toàn bộ đoạn văn bản cần thay đổi màu chữ, màu nền, sau đó bạn nhìn sang cột bên phải sẽ thấy TextBackground (nếu không thấy hãy click chọn tab Block, nằm bền cạnh tab Post ở phía trên cùng gần Publish):

Thay đổi màu chữ, màu nền
Thay đổi màu chữ, màu nền

Bạn click vào Text nó sẽ hiện ra bảng màu có sẵn để bạn chọn màu cho văn bản, click vào màu nào mà bạn thích:

Bảng màu cho văn bản
Bảng màu cho văn bản

Tương tự, click vào Background để tạo màu nền:

Chọn màu nền
Chọn màu nền

Nếu kết hợp màu của bạn khiến chữ quá tương phản với nền hoặc bị chìm vào màu nền (khiến cho văn bản khó đọc) nó sẽ có thông báo kiểu như: This color combination may be hard for people to read. Try using a brighter background color and/or a darker text color.

Khi đó bạn nên chọn kết hợp màu khác.

3. Tạo liên kết đến bài viết khác

Các bài viết trên website hiếm khi tồn tại một mình, nó thường liên kết với các bài khác. Chẳng hạn bài này đang liên kết đến bài mục lục của khóa 100 ngày làm web. Cái liên kết màu xanh này (còn gọi là link) giúp người đọc dễ dàng khám phá thêm nội dung của website. Nếu bạn không liên kết giữa các bài với nhau, thì dù website của bạn có rất nhiều bài viết, nhưng người dùng vẫn không thể biết được vị trí của nó ở đâu để mà đọc tiếp.

Một liên kết bất kỳ bao giờ cũng có 2 phần:

  • Phần văn bản: dùng để mô tả nội dung tổng quát của liên kết, ở ví dụ trên là ‘mục lục của khóa 100 ngày làm web‘. Văn bản này được gọi là ‘văn bản liên kết’ hoặc ‘văn bản neo’.
  • Phần URL: địa chỉ URL của liên kết, ở ví dụ trên là: https://100ngaylamweb.com/muc-luc/

Ngày hôm trước, bạn đã tạo bài viết đầu tiên, bạn hãy vào bài viết đó, đưa con trỏ chuột lên thanh địa chỉ trình duyệt và copy toàn bộ URL (nhấn Ctrl + A để chọn tất, rồi Ctrl + C để copy):

Lấy URL của bài viết
Lấy URL của bài viết

Tiếp đó bạn quay ra bài viết bạn đang biên tập, viết đoạn: ‘Đây là link bài viết đầu tiên của tôi.’ Rồi dùng chuột quét toàn bộ văn bản đó, tiếp đến click vào biểu tượng gắn link mà mũi tên chỉ:

Gắn link cho văn bản
Gắn link cho văn bản

Sau đó paste (Ctrl + V) đường link của liên kết vào ô bên dưới, rồi nhấn vào biểu tượng mũi tên cong:

Khi văn bản được gắn link, bạn sẽ thấy nó có màu sắc khác, và đôi khi được gạch chân để phân biệt với văn bản thông thường, và tất nhiên khi bạn click vào nó, nó sẽ chuyển đến URL mà nó được gắn.

URL này nếu thuộc cùng website của bạn thì được gọi là liên kết nội bộ (tên tiếng Anh là internal link).

Còn nếu URL đó là của website khác thì gọi là liên kết ngoài.

Một website nổi tiếng có liên kết nội bộ rất tốt là Wikipedia, ví dụ bạn có thể vào bài viết này:

Liên kết giữa các bài viết trên Wikipedia
Liên kết giữa các bài viết trên Wikipedia

Các đường link màu xanh chính là các liên kết giữa các bài viết khác nhau trên cùng website (ở đây là Wikipedia). Điều đó giúp người dùng dễ dàng đọc các bài viết khác liên quan nếu họ cần.

4. Thay đổi URL (đường dẫn / path) của bài viết

Trong bài học trước đây về thay đổi cấu trúc URL cho website (tôi vừa tạo liên kết đến bài viết khác!), bạn đã chọn cấu trúc chung cho đường dẫn trên website, cụ thể đó là cấu trúc chỉ dựa vào tên bài viết.

Mặc định thì mỗi khi bạn viết bài mới, và nhấn lưu nháp (Save draft) lần đầu thì đường dẫn này được tạo tự động.

Video hướng dẫn:

Để biết đường dẫn đó, bạn click vào tab Post ở cột bên phải, rồi nhìn xuống phần URL là sẽ thấy:

URL được tạo tự động
Đường dẫn (path) được tạo tự động

Bạn có thể thấy đường dẫn của nó là: lam-quen-voi-trinh-soan-thao-cua-wp

Chúng ta có quyền chỉnh lại đường dẫn này nếu muốn, bằng cách click vào nó, sau đó sửa lại:

Sửa lại đường dẫn
Sửa lại đường dẫn

Tôi sửa lại đường dẫn thành: trinh-soan-thao-wp

Click dấu x ở góc phải để hoàn thành.

Tại sao việc sửa lại đường dẫn này lại quan trọng? Vì mấy lý do sau:

  • Đường dẫn được tạo tự động thường rất dài, WP tự động lấy tiêu đề rồi chuyển thành đường dẫn, do vậy với các tiêu đề dài bạn sẽ có đường dẫn dài.
  • Đường dẫn được tạo tự động thường trộn lẫn cả từ có dấu và từ không dấu. Ví dụ: lam-quen-voi-trình-soạn-thảo-cua-wp

Cả hai đều khiến đường dẫn không đẹp (không chỉ không đẹp, nó còn một số bất lợi khác mà các bài học sau bạn sẽ biết).

Vậy thế nào là đường dẫn đẹp và đúng tiêu chuẩn:

  • Nó nên ngắn gọn, thường không quá 5 từ.
  • Nó mô tả được phần nào nội dung của bài viết.
  • Nó nên tạo thành từ các từ không có dấu.
  • Nó là dạng viết thường.
  • Nó nên được nối với nhau bằng dấu gạch ngang.

Ví dụ cái đường dẫn trinh-soan-thao-wp ổn là vì:

  • Nó chỉ có 4 từ.
  • Cả 4 từ đều không dấu.
  • Có tính mô tả nội dung.
  • Nó được tạo thành từ các chữ cái thường.
  • Và được nối với nhau bằng dấu gạch ngang.

Lưu ý: chỉ nên sửa URL của bài viết khi bạn đang viết bài lần đầu, hoặc sửa lại nó khi nó vẫn đang ở tình trạng bài nháp (tức là viết rồi, đã Save draft để lưu về sau viết tiếp, nhưng chưa đăng / publish chính thức). Bởi vì khi bài viết đã publish, bạn sửa lại URL cũng được, nhưng sẽ có nhiều cái phiền mà sau này bạn sẽ hiểu lý do. Đại khái bạn cứ hình dung như đứa trẻ còn trong bụng mẹ (chưa public) thì bạn nghĩ tên gì (URL) cho bé thoải mái, đổi đi đổi lại được, nhưng khi bé ra đời rồi (đã public), bạn đã làm giấy khai sinh cho bé, và sau đó bạn lại đổi tên (đổi URL) cho bé thì khá phiền phức. Việc đổi URL sau khi đã public có nhiều nét tương đồng như vậy, dù không đến mức khổ sở như đổi tên khai sinh.

Bài tiếp >>> Xóa một thành phần bất kỳ trong quá trình soạn thảo