Ôn lại về đường dẫn tĩnh (Permalink)

Ngày 21 / Tiết 1 / Thời lượng 20 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web [tháng thứ 2].

Trong tháng trước, chúng ta đã học về cách thiết lập đường dẫn tĩnh, nhưng bài học đó còn rất cơ bản, bởi vì lúc đó đi sâu sẽ khó khăn cho người mới. Tuy nhiên giờ đây bạn đã quen thuộc với WordPress hơn khá nhiều so với thời điểm ấy, vì vậy đây là lúc chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn.

  • Để vào cài đặt cho đường dẫn tĩnh, bạn vào Settings > Permalinks. Bạn sẽ thấy cấu trúc đường dẫn mà chúng ta đang lựa chọn là Post name.
Cấu trúc đường dẫn tĩnh mà website đang sử dụng
Cấu trúc đường dẫn tĩnh ở dạng Post name
  • Giờ chúng ta sẽ lần lượt thay đổi với các tùy chọn khác xem điều gì sẽ xảy ra. Đầu tiên bạn chọn Plain, sau đó kéo xuống dưới Save Changes để lưu cài đặt. Giờ bạn quay ra trang chủ, vào một bài viết bất kỳ, bạn sẽ thấy đường dẫn của nó là dạng kiểu thế này:
https://ten-mien-cua-ban.com/?p=553
  • Kiểu đường dẫn toàn số như Plain dĩ nhiên không phải dạng đường dẫn đẹp, vì nó thiếu tính mô tả, người dùng nhìn vào hoàn toàn không rõ nội dung của nó là về cái gì?

  • Giờ chúng ta chuyển sang kiểu đường dẫn Day and name, bạn cũng Save Changes để lưu. Đây là dạng đường dẫn mặc định của WordPress, nó sẽ biến đường dẫn các bài viết thành dạng như sau.

Cấu trúc chung:

https://ten-mien-cua-ban.com/năm-đăng-bài/tháng-đăng-bài/ngày-đăng-bài/tên-bài-viết/

Ví dụ một URL cụ thể:

https://ten-mien-cua-ban.com/2023/04/20/hanh-phuc-khong-giup-song-lau-hon/
  • Kiểu Day and name chúng ta cũng đã phân tích, việc nó bổ sung thêm năm/tháng/ngày vào cấu trúc đường dẫn trong phần lớn trường hợp là thừa, nếu không muốn nói còn gây hại (cấu trúc này làm cho nội dung bị gắn cứng vào ngày tháng trong quá khứ, do vậy, nếu nó có cập nhật theo thời gian hiện tại, người dùng nhiều khi vẫn hiểu nhầm nó là nội dung cũ).
  • Kiểu sử dụng năm/tháng/ngày này trong đường dẫn hiện rất ít website áp dụng, kể cả các website báo chí (cái vốn gắn kết với dạng tin thời sự, liên quan chặt đến ngày tháng mà họ còn không sử dụng nữa).

  • Tiếp theo chúng ta chuyển sang kiểu Month and name, nó sẽ tạo đường dẫn thành dạng như sau.

Cấu trúc chung:

https://ten-mien-cua-ban.com/năm-đăng-bài/tháng-đăng-bài/tên-bài-viết/

Ví dụ một URL cụ thể:

https://trangdautien.com.com/2023/04/hanh-phuc-khong-giup-song-lau-hon/
  • Kiểu này cũng dài, nó chỉ khá khẩm hơn kiểu Day and name một chút, khi loại bỏ ngày đi mà thôi. Trong thực hành, cũng không nhiều website sử dụng cài đặt như vậy.

  • Còn kiểu Numeric sẽ biến đường dẫn website thành thế này:
https://ten-mien-cua-ban.com/archives/553
  • Tức là nó cũng gần giống Plain, chỉ khác là nay nó có thêm cái archives đằng trước ở trong cấu trúc mà thôi. Đây vẫn là kiểu đường dẫn không có tính mô tả, và thực tế rất hiếm website áp dụng.

Vậy cấu trúc hay được dùng ngoài Post name thì còn dạng nào nữa?

Post name với cấu trúc đường dẫn chỉ gồm tên bài viết hiện là dạng rất được ưa chuộng, vì nó đảm bảo được cả hai yếu tố:

  • Ngắn gọn.
  • Có tính mô tả.

Ngoài ra còn có cấu trúc đường dẫn bao gồm chuyên mục, vẫn có một số nơi dùng.

Để xem cấu trúc này như nào, bạn copy đoạn này:

/%category%/%postname%/

Rồi tick chọn Custom Structure và đưa thông tin đó vào ô nhập (rồi Save Changes để lưu kết quả):

Cấu trúc đường dẫn chuyên mục và tên bài viết
Cấu trúc đường dẫn chuyên mục và tên bài viết

Trong đó:

  • %category% là chỉ đường dẫn của chuyên mục bài đó.
  • %postname% là chỉ đường dẫn của tên bài viết đó.

Cấu trúc chung:

https://ten-mien-cua-ban.com/ten-chuyen-muc/ten-bai-viet/

Ví dụ một URL cụ thể:

https://trangdautien.com/hanh-phuc/hanh-phuc-khong-giup-song-lau-hon/

Tức là so với cấu trúc chỉ tên bài viết, giờ nó có thêm tên chuyên mục đằng trước nữa.

  • Cấu trúc này khá ổn vì nó không quá dài và tính mô tả thì vẫn rất tốt, tuy nhiên đường dẫn của cấu trúc này sẽ thay đổi khi bạn thay đổi chuyên mục của bài viết, do vậy nó sẽ khá phiền khi bạn đổi chuyên mục cho bài đã xuất bản.
  • Khi sửa chuyên mục cho bài đã xuất bản, nó sẽ dẫn đến tình trạng URL của bài viết cũng thay đổi theo (vì tên chuyên mục nằm trong URL).

Sau tất cả các thử nghiệm, giờ bạn hãy quay về cấu trúc ban đầu là
Post name và nhấn Save Changes để lưu.

Giờ bạn đã hiểu rõ hơn tại sao Post name lại là cấu trúc đường dẫn tốt nhất trong hầu hết website rồi phải không?

Bài tiếp >>> 2 cài đặt nội dung cho trang chủ của website.