Menu trong website là gì?

Ngày 22 / Tiết 1 / Thời lượng 15 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web [tháng thứ 2].

Trong bài học trước đây về cấu trúc chung của website, chúng ta đã biết về menu, hôm nay bạn sẽ được tìm hiểu kỹ hơn (hãy nhìn hình bên dưới, bạn còn nhớ nó chứ?).

Menu trên website
Menu trên website

Menu chỉ là cách gọi vắn tắt, trong website tên đầy đủ của nó phải là menu điều hướng (navigation menu), nó là tập hợp các liên kết trỏ để các trang khác (thường thuộc cùng website của bạn) để giúp người đọc nhanh chóng dễ dàng đi đến các phần nội dung quan trọng trên website. Để dễ hình dung, website với người dùng như một thành phố xa lạ vậy, và menu chính là tấm bản đồ chỉ đường để người dùng đi tới nơi cần đến.

Menu điều hướng mà chúng ta quen thuộc nhất là menu ngang nằm ở đầu trang, nó thường bao gồm các link chứa chuyên mục chính của website. Ví dụ:

  • Menu điều hướng của website Vnexpress (đánh dấu trong ô chữ nhật):
Menu điều hướng của báo Vnexpress
Menu báo Vnexpress
  • Menu điều hướng của website Thanh Niên:
Menu báo Thanh Niên
Menu báo Thanh Niên
  • Menu điều hướng của website Thế Giới Di Động:
Menu của Thế Giới Di Động
Menu của Thế Giới Di Động

Các vị trí của menu điều hướng

Menu điều hướng chúng ta thường gặp nhất là ở vị trí đầu của website (tức header của nó), và đây thường là menu quan trọng nhất, không thể thiếu trong hầu hết các website.

Nhưng menu điều hướng còn có thể xuất hiện thêm ở một số vị trí khác tùy vào thiết kế, chẳng hạn ở cuối trang (footer):

  • Menu điều hướng nằm cuối trang của website Thế Giới Di Động:
Menu cuối trang của Thế Giới Di Động
Menu nằm cuối trang của Thế Giới Di Động
  • Menu điều hướng nằm cuối trang của báo Vnexpress:
Menu cuối trang của Vnexpress
Menu nằm cuối trang của Vnexpress
  • Menu điều hướng nằm cuối trang của Google:
Menu nằm cuối trang của Google
Menu nằm cuối trang của Google

Vị trí cuối trang luôn là nơi ít người dùng ngó ngàng đến nhất, nên menu ở vị trí này thường chỉ là các menu bổ trợ (cho menu chính ở đầu) hoặc cho các liên kết không quá cấp thiết với người dùng (nhưng cũng cần phải có, ví dụ các link liên quan đến điều khoản sử dụng, chính sách quyền riêng tư,… thường được đưa xuống vị trí cuối trang).

Một vị trí khác của menu là sidebar (cột phải hoặc trái của website), ví dụ:

  • Menu ở vị trí sidebar (cột trái) của trang thương mại điện tử Tiki:
Menu nằm ở sidebar trên trang Tiki
Menu nằm ở sidebar trên trang Tiki
  • Menu ở vị trí sidebar (cột trái) trên YouTube:
Menu nằm ở sidebar trên trang YouTube
Menu nằm ở sidebar trên trang YouTube

So với menu ngang thì menu sidebar ít được sử dụng hơn nhiều, chỉ một số website có nhu cầu thiết kế, chức năng riêng mới cần đến menu sidebar, còn đa số sẽ chỉ dùng menu ngang ở header (và có thể thêm menu ở footer nữa nếu cần).

Hầu hết các menu đều có thiết kế đơn giản, chỉ bao gồm các văn bản liên kết, có thể kèm màu sắc và font chữ riêng để thêm phần khác biệt. Một số menu cầu kỳ hơn sẽ bổ sung thêm các icon (biểu tượng) ngay bên cạnh liên kết văn bản, chẳng hạn như menu của YouTube, Tiki và Thế giới di động ở trên.

Đối với WordPress, tùy vào thiết kế của giao diện, nó đều có các tùy chọn tạo menu điều hướng ở các vị trí nói trên, phổ biến nhất là menu ở đầu và cuối trang, vị trí sidebar thì ít hơn.

Bài tiếp >>> Cách tạo menu cho website trong WordPress.