Ngày 33 / Tiết 4 / Thời lượng 30 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web [tháng thứ 2].
Ở bài trước bạn đã cài plugin Yoast SEO, trong bài này chúng ta sẽ học cách sử dụng nó.
Bây giờ bạn hãy vào một bài viết bất kỳ trên website, và nhấn chỉnh sửa bài đó để vào trình soạn thảo.
Ngay phía dưới trình soạn thảo, bạn sẽ thấy công cụ Yoast SEO được tích hợp vào:

Cái đầu tiên bạn cần chú ý là Focus keyphrase, đây chính là cụm từ khóa của bài.
Hiểu một cách đơn giản đây là cụm từ có độ dài tầm 4 cho đến 7 từ mô tả tốt nhất chủ đề trọng tâm của bài là về cái gì? Ví dụ trong bài trên từ khóa thích hợp có thể là:
- tiền mua hạnh phúc
- dùng tiền mua hạnh phúc
- cách dùng tiền mua hạnh phúc
Trong đó lựa chọn cuối ‘cách dùng tiền mua hạnh phúc’ là lựa chọn thích hợp nhất để mô tả trọn vẹn nội dung chính của bài. Ở đây bạn cần nhận ra một điều: tiêu đề bài thường chứa từ khóa cần SEO.
–
Bạn có thể để ý thấy đoạn ‘Please provide a meta description by editing the snippet below. If you don’t, Google will try to find a relevant part of your post to show in the search results.
‘

Đó là lời nhắc ta viết nội dung cho thẻ Meta Description (thẻ mô tả). Trời, lại thuật ngữ chuyên môn gì đây!?
Bạn đừng lo, nó rất dễ hiểu thôi. Thẻ meta description được dùng để mô tả tóm lược nội dung của website, về lý thuyết có thể có độ dài bất kỳ, nhưng thường nằm trong khoảng 150 – 160 ký tự. Để nhập nội dung cho nó, bạn kéo xuống bên dưới sẽ thấy:

Ngày xưa các máy tìm kiếm rất quan trọng thẻ này, và nội dung của thẻ này sẽ được lấy ra làm đoạn trích dẫn ngay dưới tiêu đề trong trang kết quả tìm kiếm. Nhưng ngày nay tầm quan trọng của thẻ này đã giảm đi nhiều, máy tìm kiếm thường tự lấy đoạn nội dung trong bài (mà nó đánh giá là phù hợp nhất với từ khóa) để làm trích dẫn thay vì lấy nội dung mặc định từ thẻ meta description. Ô hình chữ nhật vàng bên dưới cho thấy vị trí xưa kia của meta description:

Vậy tóm lại bạn có cần quá quan tâm đến cái này không? Nói chung là không, nhưng cũng tốt nếu bạn đủ thoải mái nhập nội dung cho nó. Có một điều khá hay thế này, nếu bạn là người am hiểu chủ đề vừa viết, bạn sẽ không khó khăn gì khi viết đoạn mô tả ngắn 150 – 160 ký tự để tóm lược nội dung cho bài. Ngược lại nếu bạn cố gắng viết một chủ đề không am hiểu, bạn sẽ rất khó khăn để viết được meta description.
–
Phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu cách Yoast hỗ trợ bạn phân tích SEO cho bài dựa theo từ khóa mà bạn nhập vào, cùng một số thông tin liên quan khác nữa.
Để xem phân tích chi tiết SEO bạn click vào SEO analysis ngay bên dưới:

Nó sẽ hiển thị ra các thông tin đầy đủ:

Ở đây Yoast đưa ra 3 đánh giá khác nhau về SEO trên bài bạn viết dựa trên ‘từ khóa’ bạn nhập vào, bao gồm:
- Problems: thực sự cần cải thiện, con số bên cạnh thông báo số lượng cụ thể, trong ví dụ trên là 6 vấn đề
- Improvements: tức là cần cải thiện, bạn đang làm khá tốt, nhưng chưa đủ tốt.
- Good results: nghĩa là ổn rồi, bạn đã làm tốt. Đùa một chút thì nó giống kiểu ‘Ơ mây zing, gút chóp em / Amazing! Good Job’ theo điệu của Binz.
Bây giờ, tôi sẽ mô tả chi tiết những thứ đó có ý nghĩa là gì, sẽ có nhiều thuật ngữ mới với bạn, nhưng nó cũng không quá khó để nắm bắt, nên bạn cứ thoải mái và tự tin nhé.
- Keyphrase distribution: nghĩa là phân bổ từ khóa trong bài có đều không, về lý thuyết một bài SEO tốt nghĩa là từ khóa chính của bài cần được phân tán đồng đều cả ở phần đầu, phần giữa và phần cuối. Trong đó phần đầu có thể nhiều hơn các phần khác, nhưng các phần khác vẫn nên có từ khóa. Ví dụ bạn viết về chủ đề ‘dùng tiền mua hạnh phúc’, nếu mở bài bạn dùng nhiều từ khóa này nhưng thân bài và kết luận không đả động đến nó, thì về lý thuyết nó sẽ không tốt bằng việc thân và kết bài cũng có từ khóa. Một điểm cần lưu ý là chỉ số này chỉ có trong thống kê của bản có phí, tuy nhiên khi bạn hiểu thì bạn chủ động làm khi viết nội dung là được.
- Outbound links: nghĩa là bài nên có liên kết trỏ ra bên ngoài website. Về lý thuyết, không một website nào có khả năng bao quát mọi chủ đề liên quan đến bài, điều đấy có nghĩa là, để nội dung của bạn trở nên hữu ích nhất nó không chỉ có liên kết nội bộ mà bạn nên có các liên kết trỏ ra bên ngoài website ở những phần nội dung mà website của bạn không có (và tương lai khả năng cao bạn cũng không viết). Ví dụ ‘dùng tiền mua hạnh phúc’ có thể link đến một nghiên cứu ngoài website nói rằng ‘thiền có khả năng đem lại hạnh phúc lâu bền hơn’. Hầu hết các chủ website đều rất ngại link đến các website ngoài vì sợ cái gọi là ‘mất công lực’, điều đó đúng nếu bạn link đến website của đối thủ cạnh tranh! Nhưng nếu bạn link đến các website thuộc lĩnh vực khác, không phải đối thủ cạnh tranh thì thường nó vẫn có ích. Dù sao cái này cần chút kinh nghiệm để link đến website khác sao cho lợi cả đôi bên, lúc bạn chưa có kinh nghiệm thì đúng là không nên vội vã link đến bất kỳ website nào bạn thích.
- Keyphrase in introduction: điều này có nghĩa là cụm từ khóa của bạn nên xuất hiện sớm nhất có thể ngay trong đoạn đầu tiên của bài. Ý là bạn đừng dài dòng giới thiệu, mà nên rõ ràng ngay từ đầu là bài của bạn viết về chủ đề gì.
- Keyphrase density: là mật độ từ khóa, như chúng ta đã biết từ khóa nên có tỷ lệ vừa phải, quá ít hoặc quá nhiều (nhồi nhét) thì đều dễ tiêu cực đến SEO. Về lý thuyết tỷ lệ từ khóa nên tầm 1 – 2%. Yoast sẽ đưa khuyến nghị cụ thể số lượng từ khóa bạn cần thêm vào dựa trên số từ của bài.
- Meta description length: lời khuyên về việc nên có meta description và thông báo về độ dài của nó có quá nhiều hay quá ít hay không.
- Keyphrase in subheading: ý là bạn nên có từ khóa trong các tiêu đề phụ trong bài.
- Image Keyphrase: ý là bạn nên có từ khóa trong thẻ ALT của ảnh, có thể không phải toàn bộ từ khóa, mà một phần cũng ổn.
- Keyphrase in SEO title: ý là bạn nên có từ khóa trong tiêu đề bài, và nếu được thì ngay đầu bài thì càng tốt.
- Keyphrase length: cái này khuyên độ dài từ khóa mà bạn nhập vào (chỗ Focus keyphrase) chỉ nên có độ dài 4 từ là tối ưu nhất. Tiếng Việt thường dài hơn tiếng Anh nên con số hợp lý tôi nghĩ là 4 – 6 từ.
- Previously used keyphrase: nếu trước đây bạn viết một bài khác mà cũng SEO từ khóa này, thì ở đây Yoast sẽ cảnh báo là bạn không nên viết 2 bài có cùng từ khóa. Đây thực sự là thực hành quan trọng cần để ý. Hai bài trên cùng website cùng SEO một từ khóa nó giống kiểu ‘gà cùng một mẹ đánh nhau’ vậy.
- Images: đơn giản thông báo là bài có ảnh sẽ tốt hơn là không có.
- Internal links: ý là các bài nên có liên kết nội bộ, điều này cũng đáng quan tâm, khi bạn viết về một chủ đề nó nên theo ‘chùm’, chứ đừng nên viết một bài gì đó không liên quan đến bất cứ bài nào đã hay sẽ tồn tại trên website. Khi có nhiều bài thuộc cùng chủ đề lớn, các bài đó có thể link đến nhau giúp người đọc có thể tham khảo nhiều hơn khi cần, đó là lợi ích lớn nhất của liên kết nội bộ.
- Keyphrase in slug: slug chính là URL của đường dẫn tĩnh (không tính tên miền), ví dụ URL của bài này
100ngaylamweb.com/huong-dan-yoast-seo/
thì cái slug:huong-dan-yoast-seo
rất tương ứng với từ khóa ‘hướng dẫn sử dụng Yoast SEO’. Phần này không cần giống hoàn toàn, giống trên 50% là được. - Text length: ý là bài không nên quá ngắn, ví dụ chỉ 400 – 500 từ, nếu bài của bạn quá ngắn sẽ có cảnh báo để bạn biết. Bài dài quá cũng có thể không tốt, nhìn chung từ 2000 – 5000 từ là mốc an toàn về độ dài trong SEO.
- SEO title width: ý là tiêu đề không nên dài quá hoặc ngắn quá.
Một số điểm cần lưu ý
Sau này khi viết quen rồi, bạn sẽ thấy bản thân ít phụ thuộc vào phần phân tích SEO này của Yoast, nhưng lúc mới đầu thì cũng nên quan tâm đến các phân tích của nó.
Chỉ cần ghi nhớ rằng rất nhiều phân tích sẽ chỉ là tương đối mà thôi, không phải theo kiểu ‘thánh chỉ’, bắt buộc bạn phải tuân thủ, ví dụ:
- Độ dài tiêu đề đôi khi ngắn hơn hoặc dài hơn chuẩn mới là lựa chọn tốt nhất.
- Link đến website ngoài không phải bắt buộc có mới là tốt.
- Meta description thường bỏ qua không cần viết vẫn không ảnh hưởng gì đến SEO.
Một lần nữa chúng ta cần kinh nghiệm để hiểu rõ và bài cũng đủ dài rồi nên tôi xin dừng lại ở đây. Khi bạn thực hành đủ nhiều, SEO sẽ rất nhẹ nhàng và tự nhiên, không cần quá nhiều phân tích mang tính kỹ thuật.
Bài tiếp >>> Đưa website lên Google Search Console.