Ngày 35 / Tiết 2 / Thời lượng 15 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web [tháng thứ 2].
Lỗi chính tả là lỗi rất kỳ lạ, dù nó nhỏ bé và kể cả người đọc vẫn hiểu hoàn toàn bản văn có lỗi chính tả, nhưng họ có xu hướng đánh giá thấp chất lượng của nó.
Lỗi chính tả như hạt sạn trong bát cơm ngon, như vết bẩn trên áo trong buổi lễ trang trọng, nó làm hỏng một thứ đang rất đẹp đẽ.
Lỗi chính tả có thể chia làm 2 kiểu:
- Lỗi nhận thức: nghĩa là bạn đinh ninh nó chính xác, nhưng thực ra không phải vậy. Ví dụ bạn nghĩ ‘chuẩn đoán’ là từ chính xác dùng để ‘xác định bệnh của bệnh nhân từ các dấu hiệu và triệu chứng’, nhưng không phải, từ đúng phải là ‘chẩn đoán’.
- Lỗi vô tình: nghĩa là do bạn gõ, viết nhầm, chẳng hạn bạn biết rõ ‘chẩn đoán’ là từ chính xác, nhưng gõ nhầm thành ‘chẩn đoàn’ hoặc ‘chần đoán’.
Trên cùng một bản văn, có một lỗi nhận thức, một lỗi vô tình, thì dù cả hai đều là lỗi chính tả cả, nhưng lỗi nhận thức lúc nào cũng bị xem là tệ hơn.
Về mức độ nghiêm trọng, lỗi nhận thức cũng nguy hiểm hơn, vì nó sẽ lặp lại thường xuyên, bất kể khi nào người đó cần phải dùng từ ấy.
Nguyên nhân gây ra lỗi chính tả
Chính tả chẳng qua là sự thống nhất về mặt văn bản của từ, điều này không giống như ngữ âm. Ngữ âm sẽ là hết sức bình thường khi có sự phát âm khác biệt giữa các vùng miền của cùng một từ, miễn không phải là nói ngọng (ví dụ phát âm lẫn lộn l và n bị tính là nói ngọng).
Nhưng sự khác biệt về ngữ âm là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra lỗi chính tả, do một thói quen phổ biến là nói thế nào thì viết thế ấy, nó đúng trong nhiều trường hợp, nhưng không phải luôn luôn. Ví dụ nhiều vùng ở miền Bắc phát âm đầu ‘r’ như ‘d’ vậy, ví dụ từ ‘rổ’, ‘rang’ phát âm như là ‘dổ’, ‘dang’. Ở khu vực miền nam dấu thanh hỏi và ngã cũng hay được phát âm lẫn với dấu khác.
Tất nhiên sẽ không có chuyện điều chỉnh phát âm để làm đúng chính tả, vì nó rất phi tự nhiên, bạo lực và bất khả thi. Chúng ta có những biện pháp khác dễ dàng và hợp lý hơn.
Cách viết đúng chính tả
Không một ai viết đúng chính tả bẩm sinh cả! Tất cả chúng ta đều thông qua học tập cách viết đúng để sửa chính tả sai cho bản thân.
Cách đơn giản nhất để học chính tả là đọc các bản văn có độ chuẩn chính tả cao, ví dụ:
- Các sách văn học trong và ngoài nước của tác giả, dịch giả uy tín.
- Các tác phẩm, sách vở khoa học.
- Báo chí chính thống từ các website lớn có hàng triệu người đọc.
Dù vẫn có khả năng có lỗi chính tả trong các thể loại văn bản trên, nhưng tỷ lệ của nó thấp hơn đáng kể các loại khác (ví dụ so với các bài đăng trên mạng xã hội, các website thông thường, các blog cá nhân).
Hạn chế lỗi chính tả cũng có kết quả tốt khi bạn đọc lại vài lần bản văn mình đã viết, cái này đặc biệt hiệu quả khi sửa các lỗi chính tả vô tình, với các lỗi chính tả nhận thức thì không có ích gì.
Sử dụng từ điển trong trường hợp nghi ngờ
Sử dụng từ điển tiếng Việt là một trong những cách kiểm tra chính tả tốt nhất, đặc biệt với các từ khó mà nhiều người có thể cùng mắc phải.
Nhưng đôi khi từ điển cũng có thể sai chính tả! Do vậy, bạn cần chọn được cuốn từ điển tốt, chất lượng cao. Một cuốn từ điển được nhiều người tin dùng là Từ điển tiếng Việt do GS. Hoàng Phê chủ biên.
Sử dụng công nghệ để kiểm tra chính tả
Các công nghệ tự động có khả năng phát hiện lỗi chính tả có chất lượng ngày càng tốt. Nó đặc biệt có ích khi kiểm tra các lỗi chính tả nhận thức hoặc/và trên các văn bản rất dài (sẽ rất mệt mỏi nếu phải đọc các bản văn quá dài nhiều lần).
Lỗi chính tả nhận thức rất khó tự phát hiện, vì nếu bạn nghĩ mình không sai thì ngay từ ban đầu bạn đã không khởi lên nghi ngờ để mà tra cứu, kiểm tra.
Bạn có thể kiểm tra chính tả bằng các công cụ trực tuyến như:
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là các công cụ kiểm tra tự động không phải luôn đúng. Những từ quá khó, vẫn còn nghi ngờ (sau khi công cụ tự động phát hiện) nên kiểm tra thêm bằng các giải pháp khác, chẳng hạn như tra cứu từ điển.
Bài tiếp >>> Giữ tinh thần viết kiểu Wikipedia.