Các ứng dụng thực tế của Google Search Console

Ngày 34 / Tiết 2 / Thời lượng 20 phút. Mục lục khóa 100 ngày làm web [tháng thứ 2].

Trong bài này bạn sẽ xem Google Search Console có thể hỗ trợ chúng ta ra sao trong quá trình phát triển website.

1. Thông báo với Google bạn vừa xuất bản một bài viết cụ thể

Để Google xếp hạng được một bài trên website của bạn và đưa nó vào kết quả tìm kiếm thì trước hết nó phải biết nội dung đó tồn tại đã. Giống như trẻ em mới sinh cần đi đăng ký khai sinh, bài viết mới đăng trên website cũng cần phải báo cho Google biết để nó đưa vào dữ liệu xếp hạng (cái này được gọi bằng thuật ngữ chuyên ngành là ‘lập chỉ mục‘).

  • Để làm điều đó thì sau khi publish (xuất bản) bài, bạn đăng nhập vào Google Search Console, nhập URL bài vào phần trên cùng rồi nhấn Enter:
Yêu cầu lập chỉ mục bài mới đăng
Yêu cầu lập chỉ mục bài mới đăng
  • Bạn sẽ thấy thông báo là bài mới đăng đó chưa nằm trong Google, bạn hãy click vào Yêu Cầu Lập Chỉ Mục:
Yêu cầu lập chỉ mục
Yêu cầu lập chỉ mục
  • Quá trình quét dữ liệu để lập chỉ mục có thể mất khoảng 1 phút (đôi khi nhanh hơn hoặc chậm hơn):
Kiểm tra trang để lập chỉ mục
Kiểm tra trang để lập chỉ mục
  • Nếu bạn thấy thông báo xảy ra sự cố, hãy bấm vào Loại Bỏ và click Lập chỉ mục lại lần nữa:
Có vấn đề khi lập chỉ mục
Có vấn đề khi lập chỉ mục
  • Khi thành công bạn sẽ thấy thông báo này:
Yêu cầu lập chỉ mục thành công
Yêu cầu lập chỉ mục thành công

Tại sao thông báo sớm cho Google lập chỉ mục bài viết mới lại quan trọng? chẳng phải không sớm thì muộn bài cũng vẫn được lập chỉ mục hay sao?

Có một số lý do:

  • Bài của bạn càng yêu cầu lập chỉ mục sớm, nó càng có khả năng xuất hiện trên công cụ tìm kiếm sớm hơn, nghĩa là website của bạn có nhiều cơ hội có người truy cập hơn.
  • Hạn chế các website khác copy nội dung và lập chỉ mục sớm hơn bạn, dẫn đến họ có thứ hạng tốt hơn cả nội dung gốc trên website của bạn! Cái này và cái đầu tiên là 2 nguyên nhân chính bạn cần lập chỉ mục sớm, sau đây là các nguyên nhân phụ.
  • Đúng là thường thì sau một thời gian, kể cả bạn không thông báo thì bài đó sẽ được lập chỉ mục, nhưng khoảng thời gian bao lâu thì không chắc chắn, nó có thể nhanh cỡ 24h, hoặc chậm cỡ 7 ngày, hay lâu hơn nữa. Các website mới ra đời thường sẽ lâu, vì vậy chủ động thông báo là tốt nhất.
  • Cuối cùng Google có thể không lập chỉ mục nếu bạn không chủ động thông báo bài mới, kể cả sau một khoảng thời gian khá dài, dù tỷ lệ này không nhiều.

2. Thông báo với Google ‘bản đồ’ của website

Thành phố nào cũng có bản đồ để việc tìm địa chỉ được dễ dàng hơn. Website cũng vậy, sau này trang web có thể có hàng trăm bài viết, vài chục chuyên mục và thẻ tag. Quản lý lượng dữ liệu lớn như vậy không dễ dàng, và bản đồ website hay tên chính xác của nó là sitemap (sơ đồ trang web) sẽ giúp các công cụ tìm kiếm ‘tìm nhanh, hiểu rõ’ hơn website của bạn (và khi Google ‘tìm nhanh, hiểu rõ’ website của bạn hơn thì cơ hội tăng lưu lượng truy cập trang cũng tốt hơn).

Thông tin sitemap của website nằm ở đâu?

Sau khi bạn cài plugin Yoast SEO, website của bạn sẽ được tạo sitemap tự động, và nó nằm ở địa chỉ sau:

https://ten-mien-cua-ban.com/sitemap_index.xml

Như trang web của tôi sẽ là:

https://trangdautien.com/sitemap_index.xml

Nó trông giống như thế này:

Sitemap của website
Sitemap của website

Giờ bạn hãy copy đoạn sitemap_index.xml, sau đó quay ra trang Google Search Console vào phần Sơ đồ trang web và paste thông tin đó vào rồi nhấn nút GỬI:

Gửi sitemap cho Google
Gửi sitemap cho Google
  • Gửi thành công bạn sẽ thấy thông báo này:
Gửi sitemap thành công
Gửi sitemap thành công

Và:

Chỉ mục sơ đồ trang web
Chỉ mục sơ đồ trang web ở trạng thái Thành công. Nếu có thông báo lỗi ở phần Trạng thái hãy kiểm tra lại URL sitemap bạn vừa nhập đã chính xác chưa? Chính xác rồi mà vẫn bị thì thường vài tiếng sau nó sẽ tự hết

Khi Google nắm được sitemap thì việc bạn đăng bài mới, cập nhật bài cũ nó cũng dễ phát hiện ra hơn để tiến hành lập chỉ mục mới (kể cả khi bạn quên chủ động thông báo có bài mới) hoặc cập nhật cho chỉ mục cũ.

Khi bạn đã thông báo thành công sitemap rồi thì không cần phải thông báo lại nữa.

3. Các chỉ số thống kê quan trọng của website

Trong phần này chúng ta sẽ cùng xem một website (kiencang.net) đã phát triển một thời gian rồi để các thông kê được thấy rõ hơn.

Đầu tiên là thống kê về lượt tìm kiếm từ Google vào website:

Số lượng truy cập website thông qua tìm kiếm
Số lượng truy cập website thông qua tìm kiếm Google trong thời gian 3 tháng
  • Để thấy thông tin chi tiết hơn, hãy click vào tab Hiệu suất:
Thông tin chi tiết về tìm kiếm
Thông tin chi tiết về kết quả tìm kiếm

Bạn sẽ thấy các thông tin như:

  • Tổng lượt nhấp: nghĩa là số lượng click được người dùng click vào khi thấy website của bạn trên trang kết quả tìm kiếm.
  • Tổng số lượt hiển thị: nghĩa là số lần người dùng tìm kiếm thấy website của bạn trên trang kết quả tìm kiếm (không phải cứ thấy là họ sẽ nhấp- đặc biệt là khi thứ hạng thấp, nên con số này thường lớn hơn rất nhiều tổng lượt nhấp).
  • CTR: nghĩa là tổng lượt nhấp / tổng số lượt hiển thị, tính theo tỷ lệ %, nó có thể cho thấy hiệu quả về mặt hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm. Giá trị này càng cao càng tốt.
  • Vị trí trung bình: tức là vị trí trung bình của các trang thuộc website của bạn trên trang kết quả tìm kiếm của Google (dựa trên vị trí cao nhất có thể của trang đó). Thông tin này thường cho thấy bạn SEO tốt đến đâu, giá trị này càng nhỏ càng tốt.

Vẫn ở trang Hiệu suất, kéo xuống bên dưới, bạn sẽ thấy các từ khóa mà người dùng nhập vào khi tìm kiếm và truy cập vào trang web của bạn:

Các từ khóa mà người dùng tìm trên Google và vào website của bạn
Các từ khóa mà người dùng tìm trên Google và vào website của bạn
  • Thông tin từ khóa rất quan trọng, nó có khả năng giúp bạn điều chỉnh, định hướng các chủ đề trên website, cũng như thay đổi một số chiến lược SEO tổng thể toàn website, hoặc thực hiện lại việc tối ưu SEO cụ thể trên một bài viết nào đấy đang có thứ hạng không tốt.

Google Search Console còn nhiều thông tin thú vị khác, nhưng 3 phần trên là các phần quan trọng nhất bạn cần biết. Sau này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những cái còn lại.

Bài tiếp >>> Cài plugin thống kê lưu lượng truy cập.